Công Ty TNHH MTV Minh Quảng

Ký Sự Cốp-pha


Cốp pha tại Đà Nẵng - Trong xây dựng, nghề đóng cốp-pha tuy có thời gian thi công ngắn ngủi nhất nhưng về tầm quan trọng và mức độ nguy hiểm thì khó có nghề nào sánh bằng. Nhiều người thợ ngậm ngùi giã từ công việc vì tai nạn, song đa số vẫn phải đeo đuổi, lấy ngày ngắn nuôi năm dài...

Trong số các nhóm thợ cốp-pha người Nghệ An vào Đà thành hành nghề, đội của anh Hào có 8 người, đều là thợ đóng cốp-pha chuyên nghiệp, chỉ cần có ai a-lô thì ngay lập tức có mặt. Anh Hào bảo: "Hành nghề khắp nơi, rong ruổi tỉnh này qua tỉnh nọ, nhưng chốt ở Đà Nẵng này là lâu nhất, vì nhu cầu xây dựng ở đây rất cao, việc làm không xuể. Ở quê hết mùa màng, ăn không ở rỗi chả xoay được đồng nào, đi thế này mới có đôi đồng gửi về cho vợ con".

Nhà cao tầng là nỗi ám ảnh của thợ cốp-pha.

Nghe những người thợ trong đội anh Hào bảo rằng, ban đầu đi theo những tốp thợ khác có tay nghề chừng ba bốn ngày là xách cưa đục, xà beng đi lập nghiệp. Ngay như anh Hào ngày trước còn ở quê, quen với tay cuốc tay cày, sau vài chuyến lăn lộn với búa đinh, tay nghề của anh đã cứng, về quê nhà tuyển thêm thợ, lập đội riêng. "Toàn anh em, người thân cả. Nhàn rỗi thì kéo nhau đi, đi riết cũng quen, rồi thành nghề, giã từ cuốc cày để đến với búa đinh luôn", anh Hào chân thật.

Tạt vào nơi các anh đang thi công, ván nhỏ, ván lớn, thép mỏng lót sàn đặt chi chít, trông có vẻ hỗn độn, nhưng mọi thứ đều hữu ích. Ngay cả mảnh ván nhỏ bằng bàn tay cũng được tận dụng để làm "bổ" cho những tấm lớn. Công trình mà các anh thi công thuộc nhà riêng, nhưng ông chủ là người cầu kỳ nên tạo cho ngôi nhà mình những ngóc ngách nghệ thuật, vì vậy việc đóng ván cốp-pha rất khó, phải cần những người thợ sành sỏi và có mắt nhìn bản vẽ. Đổi lại, nhà thuộc dạng khó thi công tiền công lại cao hơn.

Bắc giàn để dỡ bỏ cốp-pha.

Theo quy trình, đầu tiên là thợ đóng cốp-pha, sau đó đến thợ làm sắt, cuối cùng là thợ đổ bê-tông. Nhìn vào phần thi công bồn hoa nằm ở phía tầng ba, anh Hào bảo: "Treo mình vất vưởng để đóng cho được cái bồn hoa kiểu cách mà ông chủ thiết kế đúng là khó nhưng anh em phải cố. Tuy là một chi tiết nhỏ của công trình này thôi nhưng đó là điểm nhấn của ngôi nhà này đấy".

Thu nhập của một người thợ cốp-pha tùy thuộc vào tay nghề, nhưng nhìn chung đều có mức thu nhập hao hao nhau. Chỉ có trưởng tốp được nhận thêm tiền vì công tổ chức, nhận khoán. Trung bình, thợ cốp-pha có thu nhập từ 250 đến 300 nghìn đồng/ngày, thợ phụ từ 150 đến 200 nghìn đồng/ngày, còn trưởng đội cao hơn nhờ phần "hoa hồng".

Vật dụng được xem như là "bảo bối" của thợ cốp-pha chính là cái búa. Bao giờ thợ cốp-pha cũng trông chừng, bởi nó rất đặc biệt.  Loại búa mà anh Hào và đồng nghiệp sử dụng là búa được sản xuất từ Mỹ, trước năm 1975. Thân búa thon, đầu búa nhỏ, tròn, phẳng lỳ từ trong ra ngoài và đuôi búa dài, có hai tai cong vuốt. Cán búa được làm từ gỗ lim, phạt bốn cạnh, có độ dài từ 10 đến 40 cm. Với chiếc búa này thì người thợ cốp- pha thao tác rất nhanh, lực đóng mạnh và không bao giờ bị trượt, cán búa là cái thước hữu hiệu để đo sàn. Nếu búa dỏm thì công việc của thợ cốp-pha bị chậm lại, đóng đinh bị trượt, nhùng nhằng mất công, mất nghiệp.Người mới vào nghề rất khó để thi công trên các công trình có độ cao, vì vậy cách tốt nhất là buộc dây thừng vào người, đến khi nào không còn sợ độ cao nữa thì bỏ dây thừng. Vậy nhưng theo anh Hào, trong một lần không cẩn thận, người thân của anh rơi từ tầng ba xuống, may mắn thoát chết nhưng đốt sống lưng bị gãy. Lại có người mất mạng chỉ vì một mảnh ván nhỏ bằng lòng bàn tay. "Tôi có người bạn làm nghề này được hơn 10 năm rồi, tổ chức một đội thầu cốp-pha do anh làm trưởng, đem quân đi dọc miền Trung này. Ngờ đâu một hôm đang đứng dưới chỉ đạo thợ của mình tháo ván, một tấm bổ (tấm ván nhỏ) có đóng hai chiếc đinh mười rơi xuống cắm thẳng vào đầu, thế là mất mạng", anh Hào thở dài nhớ bạn.

Giá mỗi chiếc búa "bảo bối" từ 500 đến 600 nghìn đồng, nhưng may mắn lắm mới mua được. Tốp thợ cốp- pha còn đùa rằng, đi nhậu say chỏng vó, nằm vắt vẻo trên ghế nhưng tay vẫn nắm chắc cái búa vì sợ mất. Chủ quán không dám ra tính tiền vì tưởng rằng tay cầm búa thế kia đến hỏi nó tiền nó phang cho thì chết. Chờ mãi chẳng thấy chủ quán ra lấy tiền mới mang đến tận quầy, ông chủ bảo rằng gây sự với ai hay sao mà tay cầm khư khư cái búa vậy. Mọi người trong quán không nhịn cười được vì câu trả lời: Sợ mất cái búa gia truyền!

tags: thi công cốp pha tại đà nẵngđóng coppha đà nẵng, coppha chuyên nghiệp tại đà nẵng, đơn vị đóng cốp pha